Người cao tuổi là đối tượng thường xuyên bị mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Có tới 50% trong số họ chỉ ngủ 4 – 5 tiếng/ngày. Nếu tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến suy nhược cơ thể và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cùng tìm hiểu thêm về giấc ngủ của người cao tuổi, nguyên nhân cũng như cách để có một giấc ngủ ngon trong bài viết dưới đây.
1. Các vấn đề về giấc ngủ thường gặp ở người già
Rối loạn giấc ngủ ở người già khiến họ thường gặp phải một số vấn đề như:
– Khó ngủ: Người cao tuổi sẽ mất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ hơn, kể cả khi cơ thể mệt mỏi, nhưng họ vẫn không thể ngủ ngay, mà nằm trằn trọc không yên.
– Thời gian ngủ ít hơn: Với người bình thường khỏe mạnh, thời gian ngủ trung bình từ 7 – 8 tiếng. Tuy nhiên với người già gặp rối loạn giấc ngủ thì họ chỉ ngủ từ 4 – 5 tiếng.
– Thường xuyên tỉnh giấc từ nửa đêm về sáng: Ở một số người lớn tuổi bị tỉnh giấc lúc nửa đêm có thể do các bệnh lý về xương khớp, đi tiểu nhiều lần hay các bệnh về thần kinh như Alzheimer và Parkinson…
– Ngủ không ngon giấc: Người lớn tuổi khó đi vào giấc ngủ sâu mà chỉ ngủ chập chờn, dễ bị tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ lại sau đó.
2. Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người già
Người cao tuổi hay gặp chứng rối loạn giấc ngủ do một vài nguyên nhân chính như:
– Chức năng cơ thể suy giảm
Một điều tất yếu xảy ra khi lớn tuổi, đó là càng ngày các tế bào cơ quan trong cơ thể dần trở nên lão hóa, đặc biệt các tế bào thần kinh bị hủy hoại và suy giảm chức năng, tác động đến việc điều tiết căng thẳng và sản sinh ra melatonin (hormone gây buồn ngủ) dẫn đến các triệu chứng mất ngủ, khó ngủ, luôn cảm thấy buồn ngủ và ngủ không yên giấc.
– Bệnh tật
Khi các chức năng trong cơ thể bị suy yếu, cũng đồng nghĩa với nhiều bệnh tật có thể xảy đến với người lớn tuổi, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe gây rối loạn giấc ngủ. Đa phần là các bệnh về xương khớp mãn tính, khiến người bệnh đau nhức cả ngày lẫn đêm, gây khó ngủ, ngủ không ngon giấc hay mất ngủ.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore cũng chỉ ra rằng những người gặp vấn đề về giấc ngủ thường mắc một bệnh lý nào đó và không vận động nhiều. Bệnh lý này có thể là: Parkinson, Alzheimer, bệnh về tim mạch, thần kinh, tiêu hóa…
– Ảnh hưởng từ môi trường sống
Những yếu tố không tốt từ môi trường sống cũng là một trong số lý do khiến giấc ngủ của người cao tuổi không ổn định. Có thể kể đến như: ô nhiễm tiếng ồn nhất vào ban đêm, không gian ngủ thiếu trong lành, ngột ngạt, nơi ngủ nghỉ chật chội…
– Ăn uống không điều độ
Chế độ ăn uống thiếu chất, mất cân bằng dinh dưỡng, ăn không đúng giờ, thậm chí là thường xuyên uống rượu bia, cafe, trà đặc hay các chất kích thích khác cũng làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh và làm giảm chất lượng giấc ngủ của người cao tuổi như: gây tỉnh giấc vào ban đêm, khó ngủ trở lại.
3. Những cách giúp người cao tuổi có giấc ngủ ngon
– Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt
Để người cao tuổi có giấc ngủ ngon, thì trước hết phải có chế độ dinh dưỡng đủ chất, tránh xa các đồ uống chứa chất kích thích như trà đặc, cà phê, nước ngọt, rượu, bia hay hút thuốc lá…
Nên đi ngủ sau khi ăn tối vài giờ, hoặc chỉ cần ăn bữa nhẹ vào buổi tối với một chút đồ ăn dễ tiêu như: ngũ cốc, sữa chua, bánh mì… tránh gây cảm giác khó tiêu, nặng nề khi đi ngủ. Đồng thời cũng không nên uống bất kỳ loại nước nào trong 2 – 3h trước khi đi ngủ để giảm thiểu tình trạng tiểu đêm, làm gián đoạn giấc ngủ.
Ngoài ra, để ngủ ngon hơn, người lớn tuổi có thể nghe nhạc, ngồi thiền… để thư giãn, tránh suy nghĩ nhiều trước khi đi ngủ.
– Tập thể dục nhẹ nhàng
Duy trì thói quen tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày như đi bộ, các bài tập vận động đơn giản… có thể giúp dễ đi vào giấc ngủ hơn, ngủ sâu giấc và ít tỉnh giấc vào ban đêm. Lưu ý, tránh tập thể dục trong một vài giờ trước khi ngủ.
– Sử dụng sản phẩm hỗ trợ an thần từ thảo dược
Ngoài việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và tập luyện khoa học, thì việc bổ sung các sản phẩm hỗ trợ an thần là điều cần thiết. Việc này sẽ cho hiệu quả nhanh và rõ rệt hơn trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ của người cao tuổi.
Trong đó, thực phẩm hỗ trợ an thần từ thảo dược sẽ đặc biệt an toàn, ít gây tác dụng phụ và dùng được trong thời gian dài. Thành phần của các sản phẩm này được bào chế chủ yếu từ các dược liệu có tính an thần, bổ thần kinh và hoạt huyết, giúp giảm căng thẳng, giải phóng áp lực lên hệ thần kinh trung ương và thúc đẩy máu lên não. Từ đó giúp giảm mất ngủ, ngủ ngon và sâu giấc hơn, tạo cảm giác thoải mái và thư giãn sau khi dậy.
Rối loạn giấc ngủ ở người già là tình trạng rất phổ biến và khó tránh khỏi. Tuy vậy, nếu thay đổi một số thói quen sinh hoạt hằng ngày, kết hợp sử dụng các sản phẩm bổ sung thì chất lượng giấc ngủ của người cao tuổi sẽ được cải thiện tích cực. Nếu các biện pháp ở nhà không có hiệu quả, thì nên đưa người cao tuổi đến cơ sở y tế để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp.