6 phương pháp chẩn đoán rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất hiện nay

847

Rối loạn giấc ngủ là thuật ngữ chỉ những rối loạn liên quan đến chất lượng, số lượng và những hiện tượng bất thường xảy ra trong giấc ngủ. Vậy có những phương pháp chẩn đoán rối loạn giấc ngủ nào? Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn giấc ngủ là gì?

1. Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn giấc ngủ 

Theo tài liệu Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan (International Classification of Diseases ấn bản thứ 10 (ICD-10), các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn giấc ngủ cụ thể như sau:

1.1. Mất ngủ không thực tổn

Một người trưởng thành ngủ ít hơn 5 tiếng/ngày gọi là ít ngủ, còn trường hợp thiếu ngủ hoàn toàn thì gọi là mất ngủ. Biểu hiện gồm:

– Khó đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, dễ tỉnh giấc và khó ngủ trở lại.

– Rối loạn giấc ngủ xuất hiện tối thiểu 3 lần/tuần, trong vòng ít nhất 1 tháng.

– Stress, lo lắng quá mức về hậu quả của rối loạn giấc ngủ.

– Chất lượng giấc ngủ không đảm bảo, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải, sao lãng, mất tập trung, chất lượng công việc suy giảm, thành tích học tập kém,…

1.2. Ngủ nhiều

Ngủ nhiều là tình trạng một người trưởng thành ngủ nhiều hơn 10 giờ/ngày. Biểu hiện:

– Ngủ ngày quá nhiều, các cơn buồn ngủ ập đến không giải thích được, khi thức dậy cảm thấy không thỏa mãn.

– Rối loạn giấc ngủ xảy ra thường xuyên gây mệt mỏi, làm cản trở công việc và sinh hoạt hàng ngày.

– Không có các triệu chứng ngừng thở, tiếng khịt mũi hoặc mắc các bệnh lý về thần kinh. Biểu hiện dễ nhận biết nhất là buồn ngủ vào ban ngày.

Ngủ nhiều

1.3. Rối loạn nhịp thức ngủ 

Rối loạn nhịp thức ngủ là tình trạng thiếu sự đồng bộ giữa nhịp thức – ngủ cá nhân và nhịp thức – ngủ mong muốn, dẫn tới hiện tượng mất ngủ hoặc ngủ nhiều. Tiêu chuẩn chẩn đoán dạng rối loạn giấc ngủ này gồm:

– Giấc ngủ bị đảo lộn, ngủ nhiều trong khoảng thời gian cần thức và ngược lại.

– Chu kỳ thức ngủ của không đồng thời với nhịp thức ngủ ngày đêm bình thường.

– Chất lượng giấc ngủ không thỏa mãn, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đau khổ, cản trở hoạt động xã hội, chất lượng công việc và học tập giảm sút.

1.4. Chứng miên hành (mộng du)

Đây là một trạng thái rối loạn giấc ngủ, thường xảy ra ở giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ. Bệnh nhân có những hành động như bình thường trong trạng thái vắng ý thức hoàn toàn như ngồi dậy, đi, mặc quần áo, nói chuyện,… Tuy nhiên, trạng thái nhận thức, tính phản ứng và kỹ năng vận động ở mức thấp. Các hành vi đó kết thúc khi bệnh nhân thức dậy sau một vài phút, hoặc khi họ quay lại giường và ngủ tiếp. Biểu hiện:

– Trong cơn ngủ thì ngồi dậy, đi bộ trong vô thức, nói cười, thậm chí còn leo trèo,…

– Nét mặt trống rỗng, ngây dại, không có phản ứng với lời nói hoặc hành động của người khác, phải có sự tác động mạnh của người xung quanh thì mới tỉnh.

– Khi thức dậy, bệnh nhân thường không nhớ lại những sự việc đã trải qua.

– Bệnh nhân không có biểu hiện của rối loạn tâm thần vận động hoặc hành vi, mặc dù họ có rối loạn ý thức hoặc rối loạn định hướng ngắn.

Mộng du

1.5. Hoảng sợ khi ngủ

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ (còn gọi là chứng ám ảnh thôi miên, chứng sợ ngủ, chứng lo âu khi ngủ,…) là tình trạng lo lắng và sợ hãi tột độ vào ban đêm, cùng với đó là hành động la hét, chạy trốn, hoạt động thần kinh tự trị tăng cao. Biểu hiện:

– Thức giấc một hoặc nhiều lần, kêu thét hoảng sợ, tâm trạng lo lắng, đôi khi cố gắng chạy trốn. Những hành động này thường xảy ra trong 1/3 đầu của giấc ngủ đêm.

– Tăng nhịp tim và tức ngực khi nghĩ về giấc ngủ, đổ mồ hôi, ớn lạnh.

– Cảm thấy sợ hãi và lo lắng khi nghĩ về việc ngủ, cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng.

– Gặp khó khăn khi nhớ mọi thứ.

– Không có bằng chứng về bệnh cơ thể.

1.6. Ác mộng

Ác mộng đặc trưng bởi việc trải qua những giấc mơ khủng khiếp khiến cho giấc ngủ bị gián đoạn. Chúng có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào nhưng điển hình là nửa sau giấc ngủ đêm. Bệnh nhân có thể nhớ rõ chi tiết về nội dung giấc mơ. Ác mộng thường có biểu hiện:

– Bệnh nhân đang ngủ bỗng thức dậy và kể lại chi tiết nội dung của giấc mơ, thường là những sự kiện đe dọa đến tính mạng, đến sự an toàn hoặc đến giá trị bản thân.

– Trong cơn điển hình có hiện tượng rối loạn thần kinh tự trị, nhưng không có kêu thét hoặc vận động cơ thể.

– Khi thoát khỏi giấc mơ, bệnh nhân nhanh chóng trở nên nhanh nhẹn và nhận thức rõ ràng, tuy nhiên do vừa trải qua ác mộng nên cảm xúc đau buồn thể hiện rõ rệt.

Ác mộng

1.7. Ngủ lịm

Ngủ lịm là một loại rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi giấc ngủ đến một cách bất chợt và các cơn buồn ngủ ban ngày, kéo dài ít nhất 3 tháng. Biểu hiện:

– Cảm giác buồn ngủ không thể cưỡng lại, bệnh nhân đột ngột rơi vào giấc ngủ. 

– Triệu chứng mất trương lực cơ đột ngột, gây ngã, gục xuống, gối khụy, liệt tất cả các cơ xương. 

– Bệnh nhân vẫn còn thức, sau đó mới rơi vào giấc ngủ. Tái diễn các yếu tố của giấc ngủ REM.

– Người bệnh ủ rũ, thiếu năng lượng, tâm trạng chán nản, khó tập trung hoặc kiệt sức. Ngủ lịm có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong thói quen hàng ngày.

– Không phải là hậu quả trực tiếp của một chất (ma túy, thuốc) hoặc một bệnh thực tổn.

2. Phương thức chẩn đoán rối loạn giấc ngủ

2.1. Đo nồng độ Oxy

Đây là một trong những phương pháp đo lường chất lượng giấc ngủ được sử dụng rất phổ biến. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng ống chuyên dụng dùng để đo lượng oxy và nhịp tim trong khi ngủ. Từ đó, theo dõi những thay đổi của liều lượng oxy trong máu hay huyết áp… để phát hiện kịp thời các rối loạn giấc ngủ.

Phương pháp này khá đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà, giúp xác định được những triệu chứng ban đầu của rối loạn giấc ngủ như rối loạn nhịp thở, bệnh ngưng thở khi ngủ…

2.2. Đa ký giấc ngủ

Đây là phương pháp hiệu quả nhất trong chẩn đoán rối loạn giấc ngủ. Để thực hiện phương pháp này, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa và được đưa tới các phòng khám chuyên biệt có hệ thống máy móc hiện đại để được chẩn đoán một cách chính xác. 

Tại đây, bệnh nhân sẽ phải ngủ lại 1 đêm, trong thời gian này máy móc sẽ tiến hành đo đạc và phân tích các chỉ số về điện não đồ, điện tâm đồ, nồng độ oxy, phản ứng cơ bắp, mắt, các vận động cơ học trong khi ngủ, từ đó, phát hiện ra các loại rối loạn giấc ngủ mà bạn đang gặp phải.

Đa ký giấc ngủ

2.3. Phương pháp chuẩn độ

Chuẩn độ là phương pháp đo lường thành phần các chất trong máu. Chuẩn độ cùng với phương pháp đo lượng oxy trong máu được thực hiện như một phần của đa ký giấc ngủ.

Để thực hiện phương pháp này, các bác sĩ sẽ tăng cường oxy trong máu lên bằng cách bơm nó qua một máy oxy. Nếu lượng oxy trong máu ở mức thấp, bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ.

Khi bắt đầu quá trình ngủ, các dấu hiệu như ngừng thở, ho,… sẽ được ghi lại. Trong thời gian này, mức dưỡng khí trong cơ thể sẽ luôn được duy trì để không gây gián đoạn giấc ngủ và loại bỏ  tối đa các hậu quả do các rối loạn giấc ngủ mang lại.

2.4. Đo lường thời gian đi vào giấc ngủ

Đây cũng là một phần của biện pháp đa ký giấc ngủ. Mục đích của phương pháp này là đo lường xem người bệnh cần bao nhiêu thời gian để đi vào giấc ngủ sâu.

Người bệnh sẽ thực hiện bài kiểm tra này ngay sau đêm đa ký giấc ngủ. Sau khi thức dậy, họ sẽ có những lần ngủ ngắn đã được lên lịch trước vào các thời điểm trong ngày, từ đó, bác sĩ sẽ thu thập được các chỉ số cần thiết.

Phương pháp này giúp phát hiện các rối loạn như mất ngủ, các bệnh về phổi, chứng ngủ rũ, chứng ngủ ngày…

Đo thời gian đi vào giấc ngủ

2.5. Kiểm tra trạng thái nhận thức khi ngủ (Actigraphy)

Đây là phương pháp sử dụng máy đo để phân tích các chuyển động của cơ thể trong khi ngủ, giúp xác định ngắn gọn các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ.

Để thực hiện phương pháp này, bệnh nhân sẽ đeo một thiết bị nhỏ như một chiếc đồng hồ ở cổ tay. Thiết bị này sẽ thu thập các số liệu và ghi lại những chuyển động vật lý trong giấc ngủ để chẩn đoán các rối loạn thở khi ngủ.

2.6. Ghi nhật ký giấc ngủ

Đây là phương pháp đơn giản nhất và không đòi hỏi bất kì chuyên môn hay thiết bị chuyên dụng nào. Người bệnh sẽ ghi chép lại tất cả thói quen liên quan đến giấc ngủ ít nhất trong 15 ngày, ví dụ như: giờ đi ngủ, khoảng thời gian chìm vào giấc ngủ, thời gian thức dậy, số lần tỉnh giấc về đêm, cảm giác khi thức dậy, số lần ngáp ngủ trong ngày, trước khi ngủ có sử dụng chất kích thích không,…

Đây là những tài liệu quan trọng giúp cho việc chẩn đoán của các bác sĩ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Trên đây là một số phương pháp chẩn đoán rối loạn giấc ngủ phổ biến hiện nay. Nếu gặp bất kỳ vấn đề về giấc ngủ, bạn hãy đi thăm khám sớm và trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất nhé.