Tổng quan rối loạn giấc ngủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

129

Rối loạn giấc ngủ trong những năm gần đây đang dần trở thành căn bệnh thời đại mà nhiều người gặp phải, không chỉ đối với người già, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm được tổng quan rối loạn giấc ngủ, nguyên nhân và cách giải quyết. Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ

1. Rối loạn giấc ngủ là gì?

Rối loạn giấc ngủ là sự bất thường liên quan đến cả chất lượng và thời gian giấc ngủ, khiến cuộc sống người bệnh bị đảo lộn, gặp nhiều phiền toái. T

uy nhiên, nếu các tình trạng như khó ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ ít, ngủ thức giấc diễn ra nhiều lần nhưng không kéo dài, đồng thời bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan như ánh sáng mạnh, tiếng ồn hay chất kích thích…thì không được gọi là rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ cũng được chia ra thành nhiều loại khác nhau dựa trên nguyên nhân, triệu chứng, khả năng tác động đến tâm sinh lý cùng nhiều yếu tố khác, điển hình như: Mất ngủ, ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên, chứng ngủ rũ, bệnh mất ngủ giả (Parasomnias).

2. Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giấc ngủ bị rối loạn, trong đó một số thủ phạm phổ biến phải kể đến như:

– Căng thẳng

Những lo lắng, stress về công việc, học tập, tài chính hay các vấn đề gia đình, tình cảm có thể khiến tinh thần bạn không ổn định, nhất là về ban đêm, gây ra tình trạng khó ngủ, mất ngủ. Đây cũng là lý do mà không chỉ người lớn tuổi, mà nhiều người trẻ hiện nay cũng bị rối loạn giấc ngủ.

Căng thẳng mệt mỏi
Căng thẳng là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn giấc ngủ

– Thói quen ngủ không đúng giấc

Ngủ không đúng giờ, ngủ quá muộn hay do thói quen sử dụng máy tính, TV, chơi game, điện thoại hoặc tham gia các hoạt động kích thích trước khi đi ngủ, cũng làm ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ, lâu dần sẽ gây ra rối loạn giấc ngủ.

– Ăn quá no trước khi đi ngủ

Sở thích ăn đêm của nhiều bạn trẻ hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến dạ dày hoạt động liên tục, nếu đi ngủ ngay sẽ rất khó chịu và phải mất khá nhiều thời gian mới có thể đi vào giấc ngủ ngon.

– Rối loạn sức khỏe tâm thần

Các vấn đề rối loạn lo âu, trầm cảm dễ gây ra trạng thái căng thẳng quá mức và khiến bạn khó ngủ. Các rối loạn sức khỏe tâm thần khác cũng có thể là yếu tố gây ra rối loạn giấc ngủ.

– Các bệnh lý đang mắc phải

Các bệnh lý về xương khớp, dạ dày, hen suyễn… có các triệu chứng xảy ra cả ngày lẫn đêm thì cũng dễ khiến người bệnh mất ngủ thường xuyên.

– Sử dụng các chất kích thích

Uống các đồ uống kích thích như cafe, trà, cola, đồ uống chứa caffein….vào buổi chiều muộn hay buổi tối có thể gây ra tình trạng mất ngủ vào ban đêm. Đặc biệt, Nicotin có trong thuốc lá là chất kích thích cản trở giấc ngủ. Ngoài ra, rượu có thể giúp người uống dễ ngủ hơn, xong lại dễ bị thức giấc giữa đêm, do nó ngăn chặn giai đoạn sâu hơn của giấc ngủ.

3. Triệu chứng rối loạn giấc ngủ

Người bị rối loạn giấc ngủ thường gặp phải một số triệu chứng như:

– Không buồn ngủ, khó đi vào giấc ngủ, mất nhiều thời gian trằn trọc, suy nghĩ quá độ, lo lắng, tâm lý tiêu cực…

– Ngủ không sâu giấc, dễ thức tỉnh, khó ngủ.

– Thường thức giấc giữa đêm nhiều ngày liên tục, không ngủ lại được sau khi thức giấc giữa đêm.

– Thường xuyên gặp ác mộng khi ngủ, dễ tỉnh dậy.

– Chất lượng giấc ngủ kém, ngủ dậy thấy chóng mặt, mệt mỏi.

– Thiếu tập trung, hay cáu kỉnh và lo lắng bất thường.

– Thức trắng đêm đến sáng, không ngủ cả đêm.

– Có hành vi bất thường khi ngủ.

Triệu chứng rối loạn giấc ngủ
Triệu chứng rối loạn giấc ngủ

4. Giải quyết rối loạn giấc ngủ

Tình trạng rối loạn giấc ngủ thường được ưu tiên sử dụng các biện pháp cải thiện tự nhiên như thư giãn tâm lý và vệ sinh giấc ngủ. Trường hợp không có hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc điều trị phù hợp.

4.1. Thư giãn tâm lý

Biện pháp này thường được áp dụng với những người trẻ, có sức khỏe bình thường và mức độ rối loạn giấc ngủ không quá nghiêm trọng. Kể cả những người bị mất ngủ lâu năm thì liệu pháp thư giãn tinh thần, giải tỏa căng thẳng….cũng có hiệu quả nhất định giúp giảm tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Người bệnh nên hình thành thói quen đi ngủ sớm trước 11h tối, ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày. Dành 30 phút trước khi đi ngủ để thư giãn tinh thần, không suy nghĩ về công việc, học tập, các vấn đề gây căng thẳng trong tình cảm, cuộc sống, tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Thư giãn tâm lý

4.2. Vệ sinh giấc ngủ 

Thay đổi các thói quen sinh hoạt và ngủ nghỉ sau sẽ giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ đáng kể, như:

– Ngủ và thức dậy đúng giờ hằng ngày

– Không ngủ nhiều vào ban ngày để đêm dễ ngủ hơn

– Tập thể dục đều đặn vào mỗi sáng

– Đi ngủ đúng giờ dù chưa cảm thấy buồn ngủ

– Không dùng các chất kích thích như cà phê, trà, rượu, thuốc lá….vào buổi chiều hoặc tối

– Không nên ăn quá no vào buổi tối, trước lúc đi ngủ

– Tạo điều kiện phòng ngủ thoáng mát, ít ánh sáng, nhiệt độ thích hợp

– Thể dục nhẹ nhàng, thư giãn trước khi đi ngủ

– Tắm nước ấm trước khi đi ngủ khoảng 20 phút

– Tránh kích thích tinh thần bằng việc mở nhạc to, xem phim kinh dị, hành động trước khi đi ngủ

Sinh hoạt làm việc khoa học giúp cải thiện giấc ngủ
Sinh hoạt làm việc khoa học giúp cải thiện giấc ngủ

4.3. Điều trị với thuốc

Một số loại thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ thường được bác sĩ chỉ định như: thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa rối loạn giấc ngủ. Lưu ý, không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc này, mà phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh phản tác dụng

Trên đây là tổng quan về rối loạn giấc ngủ, nguyên nhân cũng như biện pháp cải thiện. Hy vọng sẽ giúp bạn nâng cao chất lượng giấc ngủ, cũng như chất lượng cuộc sống. Nếu các biện pháp tự chăm sóc và điều trị tại nhà không có hiệu quả thì cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có phương pháp phù hợp hơn.